UBND họp bàn về phát triển công nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp
Phát biểu tại cuộc họp với tư cách là lãnh đạo một trong số những doanh nghiệp lớn của tỉnh, Tổng giám đốc BKC Vũ Phi Hổ báo cáo tóm tắt kết quả sản xuất kinh doanh của BKC trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2014 sản xuất được 2.387 tấn tinh quặng sunfua chì, 2.807 tấn tinh quặng sunfua kẽm; luyện kim thành công 248 tấn chì thỏi (dây chuyền cũ) đạt doanh thu 75 tỷ đồng, nộp ngân sách 5,6 tỷ đồng. thu nhập bình quân 4,3 triệu đồng/người. Từ đầu năm 2015 đến nay, BKC đưa thêm mỏ Nà Duồng vào khai thác, nâng tổng công suất tối đa theo giấy phép lên 32.500 tấn quặng nguyên khai/năm tương ứng với khoảng trên 2.000 tấn tinh quặng. Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay BKC đã tuyển được 1.892 tấn sunfua chì, 1.230 tấn quặng sunfua kẽm, đạt doanh thu 59 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch năm, nộp ngân sách 7,94 tỷ đồng, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng, dự kiến hết năm sẽ đạt 5,5-6 triệu đồng/người. Tổng số lao động của BKC tính đến thời điểm này là 654 người.
Tổng giám đốc BKC Vũ Phi Hổ tham dự cuộc họp
Ông Vũ Phi Hổ cũng cho biết giá kim loại thế giới đang giảm và khả năng tiếp tục giảm nên sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và nộp ngân sách. Đối với dự án cải nhà máy luyện chì, Tổng giám đốc BKC thông báo đến nay đã lắp đặt xong toàn bộ thiết bị, đến 1-8 sẽ hoàn thành việc cải tạo và đưa nhà máy vào vận hành kỹ thuật và hiệu chỉnh.
Đề cập đến những khó khăn của BKC nói riêng và doanh nghiệp khoáng sản nói chung, ông Hổ cho rằng hiện nay mức thuế, phí đối với ngành này rất cao đặc biệt là phí môi trường (180.000 đồng/tấn quặng nguyên khai). “Phí môi trường chiếm đến 22% kết cấu giá thành sản phẩm là quá cao trong khi lại đang có ý kiến đề xuất nâng mức phí môi trường lên ít nhất gấp rưỡi nữa. Nếu vậy thì doanh nghiệp không thể tồn tại được”, ông bày tỏ. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguyên liệu để luyện kim, hạ tầng cơ sở yếu kém, thủ tục hành chính rườm rà, giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc là những bất cập, hạn chế của địa phương ảnh hưởng đến tình hình phát triển công nghiệp của tỉnh.
Ông Vũ Phi Hổ đề xuất một số giải pháp phát triển công nghiệp ở Bắc Kạn
Từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh của đơn vị, Tổng giám đốc BKC kiến nghị tỉnh Bắc Kạn cần sớm quy hoạch vùng nguyên liệu để phát huy lĩnh vực chế biến sâu kim loại, song song với đó là nâng cao quản lý nhà nước để đảm bảo các mỏ sản xuất hiệu quả, tạo ra nguyên liệu cho các đơn vị chế biến sâu kim loại. Ông cũng cho rằng tỉnh có thể nghiên cứu cơ chế để xây dựng các các tiểu khu công nghiệp ổn định, có hạ tầng đồng bộ tiên tiến, thu hút các doanh nghiệp phụ trợ ngành mỏ tham gia đầu tư trong các tiểu khu công nghiệp, tạo chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm công nghiệp, tạo thêm việc làm và tăng cường năng lực cạnh tranh chuyên ngành cho sản phẩm kim loại chì kẽm. Ngoài ra, Bắc Kạn cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng giao thông đến các khu sản xuất tập trung nhằm nâng cao năng lực vận tải và lưu chuyển hàng hóa của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng hạ tầng điện năng, đảm bảo cho điện lưới hoạt động ổn định, tránh tình trạng mất điện thường xuyên, kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lãnh đạo BKC cũng đề nghị hệ thống đào tạo nghề của địa phương cần tiếp cận với việc đào tạo các chức danh nghề chuyên sâu, tăng cường phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu, tại chỗ cho doanh nghiệp. Kiến nghị cụ thể đối với hoạt động của BKC, ông Vũ Phi Hổ đề nghị tỉnh xem xét cấp mỏ Bó Nặm là mỏ có nguồn ôxít chì phù hợp với nhà máy luyện chì của công ty.
Mạnh Cường
Địa chỉ: Tổ 4, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn
Email: bkc@backanco.com Điện thoại: 0209.3812.399