Thứ Hai | 14/09/2015

Doanh nghiệp khoáng sản phản đối tăng thuế, phí

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản đang “như ngồi trên lửa” khi Bộ Tài chính đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên.

Thuế tài nguyên tăng từ 3% đến 20%

Ngày 8-9, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về biểu thuế suất thuế tài nguyên do Bộ Tài chính soạn thảo. Theo dự thảo, tất cả các loại khoáng sản đều có mức thuế suất tăng so với trước từ 3% đến 20%  (xem box).

+ Sắt: tăng từ 12% lên 15%;

+ Titan: tăng từ 16% lên 18%;

+ Vàng: tăng từ 15% lên 20%;

+ Ni-ken: tăng từ 10% lên 16%;

+ Wonfram, antimoan: tăng từ 18% lên 20%;

+ Đồng: tăng từ 13% lên 18%;

+ Các khoáng sản kim loại còn lại: tăng tương ứng lên thêm 3 điểm phần trăm.

+ Than: từ 7% lên 10% và từ 9% lên 12% tùy loại;

+ Cát: tăng từ 11% lên 15%;

+ Cát làm thủy tinh: tăng từ 13% lên 15%;

+ Granite: tăng từ 10% lên 15%;

+ Các khoáng sản không kim loại còn lại: tăng tương ứng lên thêm 3 điểm phần trăm. Riêng kim cương, ru-bi, sa-phia... tăng tương ứng lên thêm 5 điểm phần trăm.

+ Nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp: tăng từ 8% lên 10% (mức trần);

Nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện: tăng từ 4% lên 5% (mức trần).

Phí bảo vệ môi trường “tận thu” tối đa.

Trước đó, ngày 23/7, Vụ Chính sách thuế phối hợp với Liên minh khoáng sản Việt Nam tổ chức Hội thảo về các phương án tăng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Theo đó, hầu hết các loại khoáng sản đều chịu mức phí bảo vệ môi trường cao hơn so với trước, trừ bauxite và fenspat. Đối với khoáng sản là đất, cát, đá, sỏi (khai thác ở đáy sông) làm vật liệu xây dựng thì mức thu được điều chỉnh theo nguyên tắc “mở rộng khung theo hướng tăng thêm một lần số chênh lệch tối đa, tối thiểu hiện hành”. Ví dụ: cát đang có mức thu tối thiểu là: 2.000đ/m3, tối đa là: 4.000đ/m3, theo phương án mới thì mức tối thiểu sẽ là: 4000đm3 và tối đa là 6000đ/m3. Đối với quặng sắt, chì, kẽm, đồng, đất hiếm molipden, quazit, aptit, graphit…dự kiến lấy mức tối đa hiện hành làm mức tối thiểu và điều chỉnh mức tối đa tương ứng. Ví dụ: quặng chì kẽm hiện có mức tối thiểu là 180.000đ/tấn, tối đa là 270.000đ/tấn, thì theo phương án mới, mức tối thiểu sẽ là 270.000đ/tấn và tối đa sẽ là 360.000đ/tấn. Còn đối với than, mức phí sẽ tăng từ 10.000 tấn/ lên 30.000 đồng/tấn.

Công nhân BKC khai thác tại mỏ Nà Bốp

 

Không chỉ tăng mức phí, Bộ tài chính còn điều chỉnh cách tính phí so với trước. Theo thông tư 158/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính, phương pháp tính phí BVMT hiện hành như sau:

Số phí phải nộp bằng khối lượng khoáng sản trong kỳ nhân với mức phí theo quy định.

Tuy nhiên, trong dự thảo mới đây, cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương pháp tính mới. Theo đó, phương án thứ nhất đưa thêm hệ số phương thức khai thác (lộ thiên hoặc hầm lò) và hệ số công nghệ, kỹ thuật khai thác (hiện đại, thông thường hoặc thô sơ) vào công thức tính. Tức là nếu khai thác lộ thiên mức phí cao hơn khai thác hầm lò, tương tự như vậy, khai thác bằng kỹ thuật thô sơ sẽ phải nộp phí cao hơn so với sử dụng công nghệ hiện đại.

Còn phương án thứ hai, cơ quan soạn thảo không chỉ tính phí trên khối lượng quặng khai thác được trong kỳ tính phí kèm theo các hệ số như phương án 1 mà còn tính phí trên cả khối lượng đất, đá đưa ra trong quá trình khai thác. Với cách tính này, dường như Bộ tài chính muốn “tận thu” tối đa mức phí bảo vệ môi tường và mức phí mà doanh nghiệp phải nộp chắc chắn sẽ lớn hơn so với cách tính cũ. Tuy nhiên việc xác định thế nào để áp dụng hệ số phương thức khai thác và hệ số công nghệ kỹ thuật khai thác đòi hỏi phải có các tiêu chí rất cụ thể chi tiết mà Dự thảo chưa đề cập đến. Ngoài ra, việc xác định khối lượng đất, đá đưa ra trong quá trình khai thác cũng không hề dễ dàng

Doanh nghiệp phản ứng gay gắt

Tại 2 cuộc hội thảo trên, các doanh nghiệp không chỉ phản đối đề xuất tăng thuế, phí của Bộ Tài chính mà còn phân tích, chỉ ra rằng việc tăng các loại thuế, phí như dự thảo sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho việc tồn tại của các doanh nghiệp khoáng sản mà còn đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Thời báo Kinh tế Sài Online dẫn lời ông Vũ Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, thuộc tập đoàn Masa tại hội thảo hôm 8-9, cho rằng: việc tăng thuế suất tài nguyên sẽ làm tăng chi phí khai thác, khiến doanh nghiệp chỉ tập trung khai thác phần quặng giàu, bỏ quặng nghèo, dẫn đến lãng phí tài nguyên. Bên cạnh đó, việc tăng thuế suất sẽ gây áp lực lên người lao động, và giảm quỹ cho cộng đồng địa phương.

Vẫn báo này dẫn lời ông Evan Spenser, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc cho biết doanh nghiệp này đã đầu tư 130 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam từ năm 2007, và đến năm 2014 thì khai thác được lô sản phẩm đầu tiên.Tuy nhiên, trong thời gian này, các thuế suất như thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; và các loại thuế, phí mới được ban hành như tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đều đã tăng cao. Tổng gánh nặng thuế mà Niken Bản Phúc tính toán đã tăng 218% so với thời điểm quyết định đầu tư giai đoạn 2007-2014, tổng số thuế phải nộp đã tăng thêm 76 triệu đô la Mỹ so với tính toán ban đầu. “Chúng tôi lỗ 35 triệu đô la Mỹ do giá thay đổi và chính sách thuế thay đổi,” ông Evan Spenser được dẫn lời nói.

Xưởng tuyển nổi quặng chì - kẽm của BKC

 

Tại hội thảo góp đóng góp ý kiến về việc tăng phí bảo vệ môi trường hôm 23/7, ông Đinh Văn Hiến, Phó tổng giám đốc Công ty CP khoáng sản Bắc Kạn (BKC) nêu lập luận: “Khi Công ty lập dự án khai thác mỏ đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong quá trình hoạt động khai thác, trung tâm quan trắc môi trường thuộc Sở TN - MT tỉnh Bắc Kạn đến quan trắc, lấy mẫu nước thải, không khí… Phân tích kết qết quả quan trắc cho thấy các chỉ tiêu đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Hơn nữa Công ty cũng đã ký quỹ phục hồi môi trường sau khai thác. Vậy chủ trương thu phí BVMT theo cấp độ gây ô nhiễm môi trường có trái với Luật Bảo vệ môi trường hay không?” . Ông cho rằng nếu bắt buộc phải thu phí bảo vệ môi trường thì “Để công bằng cho các đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản, nên thu theo 1 phương pháp tính cụ thể đối với từng loại tài nguyên khoáng sản ở mức chiếm khoáng 15% giá bán quặng nguyên khai. Đơn cử như lĩnh vực khai thác quặng Chì – kẽm của BKC, hiện nay đang áp dụng mức giá là 180.000 đồng/tấn nguyên khai, tương đương với 15% giá bán là hợp lý. Nếu tăng mức phí lên 270.000 đồng/tấn (24% giá bán), hay tăng lên 360 ngàn đồng/tấn (30% giá bán) như dự thảo thì các đơn vị hoạt động khoáng sản sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể hoạt động nổi”.

Mặc dù chủ trương tăng phí bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên được nói là nhằm tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản song PGS-TS Nguyễn Cảnh Nam, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam cho rằng đó chỉ là ngụy biện và phi thực tế. “Việc tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản chỉ có thể thực hiện thông qua nâng cao chất lượng và tăng cường kỷ luật, kỷ cương công tác quy hoạch, cấp phép, kiểm tra, giám sát. Do đó, việc tăng thuế chỉ có mục tiêu duy nhất là tăng thu ngân sách. Thế nhưng, thuế, phí, chi phí khai thác tăng cao khi giá bán giảm thì việc tăng thuế chưa hẳn làm tăng thu ngân sách như mong đợi”- Tiến sĩ Nam phân tích.

Cho đến thời điểm này, phía doanh nghiệp và phía cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang cố gắng bảo lưu quan điểm của mình, song một chính sách mới, cụ thể là chính sách tăng thuế, phí này, nếu chỉ được xây dựng một cách duy ý chí từ phía cơ quan quản lý nhà nước mà không tính đến lợi ích và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp thì hoặc chính sách đó khó đi vào thực tiễn hoặc sẽ biến dạng, thậm chí có thể khiến hàng loạt doanh nghiệp khoáng sản bị phá sản.

Mạnh Cường - Hữu Thung

Tin khác
Vinh danh 15 cá nhân tiêu biểu của BKC
Trong chương trình Gala “BKC tuổi 15” vừa được tổ chức, Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn (BKC) đã vinh danh 15 cán bộ, công nhân viên tiêu biểu, có nhiều cống hiến trong quá trình xây dựng và phát triển chung của Công ty trong 15 năm qua, kể từ khi thành lập đến nay. 3707 lượt đọc
Công nhân nhà máy chì tự chế máy giặt túi thu bụi
Tận dụng những phế liệu bỏ không, anh Phúc cùng với một số công nhân tổ cơ điện Xí nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản Chợ Đồn (gọi tắt là XN) đã chế ra chiếc máy giặt túi thu bụi đơn giản nhưng rất hiệu quả. 4407 lượt đọc