Thứ Hai | 21/09/2015

Trăn trở bài toán nguyên liệu cho nhà máy chì

Với việc đầu tư mới dây chuyền luyện chì tiên tiến, hiện đại, BKC đã giải quyết xong “bài toán công nghệ” khi dây chuyền đã vận hành trơn tru cho ra sản phẩm đều đặn song để đảm bảo cho nhà máy thực sự hoạt động ổn định, hiệu quả thì cần phải giải “bài toán nguyên liệu” nữa.

“Đói” nguyên liệu

Theo công suất thiết kế, dây chuyền luyện chì mới mỗi ngày sẽ cho ra lò trung bình 18 đến 20 tấn chì thành phẩm với phẩm vị 98%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mỗi ngày dây chuyền chỉ cho ra lò được 11 đến 12 tấn (hơn một nửa công suất thiết kế). Lý do là thiếu nguyên liệu đầu vào. Dẫn tôi đi tham quan một vòng nhà máy, ông Vũ Gia Hạnh, GĐ Xí nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản Chợ Đồn, đơn vị quản lý nhà máy chì, cho biết: “Mỗi tháng, dây chuyền luyện chì cần khoảng 900 tấn tinh quặng chì, nhưng 3 Xí nghiệp khai thác mỏ hiện nay của Công ty chỉ đáp ứng được 450 đến 500 tấn. Ngoài ra, cần một lượng lớn quặng oxit chì làm nguyên liệu phối trộn, hiện tại công ty phải mua ngoài toàn bộ. Nguyên liệu đầu vào cho nhà máy luyện chì luôn nằm trong tình trạng thiếu thốn”.  Tổng giám đốc Vũ Phi Hổ cũng cho biết hiện nay nguồn nguyên liệu từ các mỏ của BKC chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của nhà máy.

Nhà máy chì của BKC vẫn "đói" nguyên liệu (Trong ảnh: Công nhân đang vận hành lò luyện chì)

 

Để có thêm nguyên liệu phục vụ nhà máy chì, BKC đã thành lập phòng Kinh doanh – Vật tư để tìm kiếm và thu mua quặng chì từ các đơn vị khai thác trong và ngoài tỉnh Bắc Kạn. Đơn cử như mới đây đã thu mua 500 tấn quặng chì tại mỏ Nà Tùm (xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn) của Công ty khai khoáng Bắc Kạn. Tuy nhiên, việc thu mua quặng chì mới chỉ bổ sung được một phần nhỏ nhu cầu trong khi chất lượng quặng không ổn định. Nhà máy luyện chì, vì thế, luôn nằm trong tình trạng “đói” nguyên liệu đầu vào. Và với tình trạng này mỗi tháng nhà máy luyện chì sẽ chỉ hoạt động được trong khoảng 20 ngày là hết nguyên liệu, đồng nghĩa với việc phải dừng lò. Như vậy sẽ dẫn đến lãng phí về thời gian, nhân lực, tài chính vì chi phí mỗi lần đốt lại lò là rất lớn. Còn nếu hoạt động cầm chừng, dàn trải thì nhà máy không đạt hiệu quả kinh tế, do nhiên liệu, nhân lực để vận hành nhà máy tăng lên rất nhiều, nhưng sản phẩm đầu ra lại không đổi.

Tháo gỡ cách nào?

Ngay từ lúc lên kế hoạch cải tạo nhà máy luyện chì, ban lãnh đạo công ty đã tính đến việc tìm nguyên liệu cho dây chuyền mới. Vì vậy, ngày 13/8 vừa rồi, BKC cũng đã có văn bản số 283 gửi UBND tỉnh Bắc Kạn đề nghị xin được cấp phép thăm dò mỏ chì kẽm Bó Nặm tại xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn. Mỏ Bó Nặm được đánh giá là nguồn cung cấp quặng oxit chì, nguồn nguyên liệu phối trộn quan trọng cho nhà máy. Tại buổi lễ vận hành nhà máy luyện chì ngày 1/9 năm nay, TGĐ BKC Vũ Phi Hổ cũng đã đề nghị tỉnh Bắc Kạn cấp thêm các điểm mỏ mới cho công ty song đến chưa biết đến bao giờ BKC mới được cấp.

Nhiều cây cầu đường bộ ở Bắc Kạn chỉ chịu tải trọng 12 tấn trong khi đường chịu tải trọng 24 tấn (Trong ảnh: Một cây cầu trên đường đi Chợ Đồn (Bắc Kạn))

 

Song song với việc đề nghị cấp thêm mỏ, BKC cũng chủ động tìm mua nguyên liệu từ các đơn vị khai thác khác trong và ngoài địa bàn tỉnh như một cách giải bài toán nguyên liệu. Tuy nhiên, giải pháp này lại vấp phải khó khăn khác liên quan đến vận chuyển, cụ thể là  những “khập khiễng” trong quy định trọng tải giữa cầu và đường. “Hiện nay, rất nhiều cầu đường bộ của Bắc Kạn tỉnh ta chỉ cho phép xe có trọng tải dưới 12 tấn lưu thông trong khi đường cho phép xe 24 tấn. Như vậy, nếu chở đúng tải trọng của đường là 24 tấn thì khi qua cầu 12 tấn sẽ phạm luật, còn nếu đúng tải trọng xe và hàng là 12 tấn thì chi phí vận chuyển sẽ rất lớn, bởi trừ đi khối lượng trung bình của xe là 6 – 7 tấn thì khối lượng hàng chở theo chỉ còn lại 4 – 5 tấn”- TGĐ Vũ Phi Hổ nêu tại cuộc họp phát triển công nghiệp Bắc Kạn do UBND tỉnh tổ chức mới đây. Đơn cử chỉ tính riêng quãng đường từ thành Phố Bắc Kạn đến huyện Chợ Đồn, có 11 cây cầu, trong đó chủ yếu là những cây cầu nhỏ, dài 6 – 7 mét, cho phép xe 12 tấn đi qua. Bởi vậy, muốn hoạt động công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn phát triển thì nhất thiết cần sớm nâng cấp hệ thống cầu, đường cho phù hợp với các loại xe có tải trọng phổ biến hiện nay.

Như vậy với những khó khăn hiện tại về việc cấp mỏ và cơ sở hạ tầng giao thông, việc đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy chì hoạt động đủ công suất như hiện nay đã vấn đề nan giải đối với BKC nói riêng và ngành công nghiệp chế biến sâu khoáng sản của Bắc Kạn nói chung. Nếu không có biện pháp tháo gỡ kịp thời và mang tính chiến lược dài hạn thì ý tưởng về những nhà máy luyện kim công suất lớn còn là ước mơ xa vời.

 

Hữu Thung

Tin khác
Vinh danh 15 cá nhân tiêu biểu của BKC
Trong chương trình Gala “BKC tuổi 15” vừa được tổ chức, Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn (BKC) đã vinh danh 15 cán bộ, công nhân viên tiêu biểu, có nhiều cống hiến trong quá trình xây dựng và phát triển chung của Công ty trong 15 năm qua, kể từ khi thành lập đến nay. 3646 lượt đọc
Công nhân nhà máy chì tự chế máy giặt túi thu bụi
Tận dụng những phế liệu bỏ không, anh Phúc cùng với một số công nhân tổ cơ điện Xí nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản Chợ Đồn (gọi tắt là XN) đã chế ra chiếc máy giặt túi thu bụi đơn giản nhưng rất hiệu quả. 4338 lượt đọc