Thứ Hai | 26/01/2015

Tổ ấm nhỏ của Thợ mỏ xa quê

“Dậy chuẩn bị đi học nào con, muộn giờ rồi!”- tiếng ông bố âu yếm đánh thức cô con gái nhỏ đang say giấc làm cho cả khu nhà tập thể của công nhân Xí nghiệp khai thác mỏ Pù Sáp trở nên ấm áp, thân thương bầu không khí gia đình.

Nơi tình yêu bắt đầu

Đánh thức con dậy và chuẩn bị cho bé đi học vừa là trách nhiệm vừa là niềm vui của anh Lê Văn Cử, một trong số những cán bộ lâu lăm của Công ty CP khoáng sản Bắc Kạn (BKC) đã lập gia đình và sinh sống ngay trong XN. Anh kể: “Năm 2001, sau khi tốt nghiệp đại học Mỏ địa chất, đúng lúc BKC đang tuyển người nên tôi xin vào đây và gắn bó từ đó đến nay”. Khi được hỏi về chuyện lập gia đình, vị giám đốc điều hành mỏ quê Hải Dường này tủm tỉm cười và ngượng ngùng chia sẻ: “Cũng tình cờ thôi. Hôm ấy XN của mình thi đấu giao lưu cầu lông với XN khai thác và chế biến khoáng sản Chợ Đồn (cũng thuộc BKC). Gặp cô ấy, tự nhiên thấy có cảm tình thì làm quen rồi yêu nhau và cưới thôi”. Người được anh Cử chọn để nâng khăn sửa túi là chị Lê Thị Minh Tần, quê ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ là cán bộ hóa nghiệm của XN Chợ Đồn, hồi đó cũng mới về BKC. Sau khi cưới, lúc đầu hai vợ chồng anh định thuê nhà nhưng được XN tạo điều kiện bố trí cho một căn phòng trong khu nhà tập thể của công nhân. Căn phòng nhỏ nhắn, ấm cúng với 2 chiếc giường, 1 chiếc tủ, 1 bàn uống nước, 1 góc học tập cho con. Bên cạnh là gian bếp kề với một mảnh vườn xinh xinh trồng rau xanh. Ngoài ra, anh còn nuôi hơn chục con gà. Bằng tình yêu với tổ ấm của mình, vợ chồng anh đã biến khu vực vốn chỉ là chỗ ở tạm thành một “ngôi nhà hạnh phúc”, ở đó có những bữa cơm tươm tất và cả tiếng cười, tiếng khóc của trẻ thơ.

Anh Cử ru con ngủ để vợ chuẩn bị bữa ăn cho gia đình

Cùng nhau vượt khó

Tương tự như gia đình anh Cử, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Thủy và chị Đặng Thị Mai cũng lựa chọn ở tại dãy nhà ở tập thể của Xí nghiệp khai thác khoáng sản Bằng Lãng thay vì thuê nhà, phần vì tiết kiệm, phần vì ở trong XN vui và thuận tiện cho công việc. Anh Thủy người thị xã Bắc Kạn, còn chị Mai nhà ngay ở huyện Chợ Đồn, nơi “đóng quân” của XN khai thác khoáng sản Bằng Lãng mà cả 2 đang làm việc. Anh Thủy làm cán bộ kỹ thuật còn chị Mai làm nhân viên Tổ thống kê. Cưới nhau từ năm 2009, đến nay vợ chồng anh Thủy đã có một bé gái 5 tuổi xinh xắn, đáng yêu đang học trường mầm non thị trấn. Trường học cách chỗ ở gần chục cây số nên hàng ngày, anh chị phải dậy sớm đưa bé đến trường rồi quay về XN làm việc. “Hôm nào vợ phải làm ca sáng thì mình sẽ thay vợ làm  đầu bếp, nấu ăn sáng và đưa con đi học”- anh Thủy chia sẻ. Anh cũng cho biết “Sống ở đây có đông anh chị em đồng nghiệp nên rất vui, duy chỉ hơi tội cho con bé có ít bạn vì xung quanh toàn người lớn. Có lần cháu nói “con chỉ thích chơi với trẻ con, không thích chơi với người lớn đâu”. Nghĩ vừa thương con vừa buồn cười”.

Sáng sớm, chị Mai đã trở dậy đưa con đến trường học cách nhà 5 cây số

Với mức thu nhập của hai vợ chồng hiện tại hơn 12 triệu đồng/ tháng, lại không mất tiền thuê nhà và được Công ty hỗ trợ 1 bữa ăn ca nên ngoài chi tiêu, vợ chồng anh Thủy còn dành dụm để trang trải những món vay trước đây. Chị Mai- vợ anh Thủy- tâm sự: “Hồi mới cưới nhau, vợ chồng chúng tôi khó khăn lắm, phải vay mượn nhiều, rồi giai đoạn trước, công ty không có việc làm, vợ chồng tôi còn phải mở quán bán cháo lòng. Nay công ty có việc làm ổn định, thu nhập tăng nên cũng yên tâm hơn và có tiền để trả nợ”. Trong câu chyện với tôi,  Chị Mai tỏ ra rất khâm phục “đức ông chồng” không chỉ giỏi chuyên môn, mà rất thương yêu vợ con, đặc biệt là cô con gái bé bỏng và biết chia sẻ, giúp đỡ vợ. Nhờ thế mà tình yêu của anh chị ngày càng keo sơn, giúp nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất.

Anh Thủy tự tay chuẩn bị bữa cơm cho gia đình

Mái nhà chung BKC

Hiện tại, ngoài 2 đôi vợ chồng Cử-Tần và Thủy - Mai, còn 2 cặp vợ chồng khác là Nguyễn Ngọc Mạnh - Đinh Thị Phượng và Hoàng Văn Chín - Mã Thị Thân đều là những người xa quê tới lập nghiệp. Trong số gần 100 công nhân xa nhà đang ở tập thể tại XN Bàng Lãng và Pù Sáp, có những người có gia đình ở quê, có những người chưa lập gia đình hoặc có những người cũng đang muốn đưa vợ con lên đây như anh Trần Văn Hiệu, cán bộ an toàn của XN Bằng Lãng. Anh Hiệu quê Nam Định, mới gia nhập đại gia đình BKC được mấy tháng, vợ con vẫn đang ở quê. Anh chia sẻ: “Nói chung điều kiện công việc, ăn ở, thu nhập hiện tại của công ty như hiện tại là khá tốt. Nếu có cơ hội việc làm cho vợ thì tôi sẵn sàng đưa vợ con lên đây ngay”.

Bữa cơm tối đơn sơ của những người gia đình sống ở mỏ

Năm 2014, BKC tiến hành tái cấu trúc lại doanh nghiệp trong đó có chính sách thu hút nhân lực khiến hàng loạt cán bộ, công nhân ở khắp nơi kéo về đầu quân, từ Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng. Những người ở xa đều được Công ty tạo điều kiện chỗ ăn nghỉ, ngay như đối với cán bộ khối văn phòng được bố trí chỗ ăn ngủ đàng hoàng, khang trang, thậm chí còn được trang bị cả phòng tập thể dục thể thao, khiến những người xa quê cảm thấy ấm lòng và yên tâm làm việc. Rất có thể rồi đây sẽ có thêm nhiều gia đình xuất hiện, nhiều tổ ấm nữa được hình thành trong lòng đại gia đình BKC như câu châm ngôn “đất lành chim đậu”.

 

Mạnh Cường- Hữu Thung

Vinh danh 15 cá nhân tiêu biểu của BKC
Trong chương trình Gala “BKC tuổi 15” vừa được tổ chức, Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn (BKC) đã vinh danh 15 cán bộ, công nhân viên tiêu biểu, có nhiều cống hiến trong quá trình xây dựng và phát triển chung của Công ty trong 15 năm qua, kể từ khi thành lập đến nay. 3576 lượt đọc
Công nhân nhà máy chì tự chế máy giặt túi thu bụi
Tận dụng những phế liệu bỏ không, anh Phúc cùng với một số công nhân tổ cơ điện Xí nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản Chợ Đồn (gọi tắt là XN) đã chế ra chiếc máy giặt túi thu bụi đơn giản nhưng rất hiệu quả. 4259 lượt đọc