Nhân viên nhà bếp nấu nướng hằng ngày bằng bếp củi
Làm bếp… khó như làm toán
Bài toán trên khó ở chỗ giá cả luôn là những “biến số”, trong khi điều kiện đặt ra là món ăn phải thay đổi thường xuyên, khiến cả trăm người ăn ngon miệng, hài lòng. Chính vì vậy, dù ngày nào cũng giải bài toán ấy nhưng chị Loanh vẫn luôn “đau đầu” với công việc được coi là “làm dâu trăm họ này. “Từ việc lên danh sách món ăn, lựa chọn loại thực phẩm, đến tính toán khối lượng, số lượng rồi chế biến ra sao cho phù hợp khẩu vị của nhiều người luôn là những câu hỏi thường trực đối với tôi ngay khi thức dậy”- chị chia sẻ.
Chị Loanh là 1 trong 8 nhân viên của Tổ bếp XN Bằng Lãng. Do XN có 2 khu mỏ Nà Bốp và Pù Sáp nằm xa nhau nên tổ này chia 2 nhóm, mỗi nhóm 4 người, phụ trách bếp ăn của 1 khu. Hàng ngày các bếp ăn này phải nấu ăn cho khoảng 100 cán bộ, công nhân xa nhà ở tập thể, gồm 2 bữa chính (trưa và tối) dành cho công nhân ca ngày, 2 bữa phụ (khuya và sáng) dành cho công nhân ca đêm. Thông thường có 3 người làm ca ngày để nấu các bữa chính, 1 người làm ca đêm để nấu bữa phụ. Công việc của các chị thường kéo dài từ 7 giờ sáng đến tối mịt.
Chị Loanh vừa là bếp trưởng của khu mỏ Pù Sáp vừa chịu trách nhiệm mua thực phẩm cho cả 2 bếp nên sáng nào chị phải xuống chợ mua thức ăn tươi sống như thịt, cá, rau, củ… (riêng gạo, củi, gia vị, mì tôm, trứng thì XN ký hợp đồng với các đại lý). Khi chị mang thực phẩm về là bếp ăn bắt đầu nổi lửa. Người làm thịt, cá, người nhặt rau, nấu cơm. Tất cả công việc diễn ra khẩn trương để kịp bữa trưa cho công nhân lúc 11h. Đến bữa, các “chị nuôi” lại phải giải một bài toán nữa là chia cơm sao cho đều, cho đủ. Khác với những nhiều nơi vốn chia cơm theo từng suất, ở đây, công nhân thường đi ăn theo từng tốp nên các chị chia theo mâm, mỗi mâm 6 người, gồm 2 đĩa thịt hoặc cá, 2 đĩa 2 đĩa rau xào, 2 tô canh. Riêng cơm thì ăn thoải mái. Do không thể định lượng được chính xác tuyệt đối nên các chị đành phải “liệu cơm gắp mắm”, chia cơm bằng cảm quan, kinh nghiệm. “Ban đầu cũng có nhiều bỡ ngỡ nhưng dần dần làm cũng quen nên bây giờ chia cũng không mấy khó khăn”- chị La Thị Thiệu, nhân viên chia cơm bếp Nà Bốp nói.
Bữa ăn đầy đủ món mặn, món xào và món canh
Suất ăn 15.000đ hay 20.000đ?
Nhận xét về chất lượng bữa ăn ca, anh Hoàng Văn Hữu, công nhân khoan nổ mìn khu mỏ Nà Bốp nói: “Các món ăn ở bếp khá ngon, cơm với canh lại được ăn thoải mái, tuy nhiên thức ăn hơi ít. Tuy nhiên, tôi nghĩ so với số tiền 15.000 đồng, mỗi bữa ăn như thế này là khá ổn”. Khi nghe nói suất ăn chỉ có 15.000đ, tôi hơi ngạc nhiên vì theo quy định của Công ty là 20.000đ. Tôi đem thắc mắc này trao đổi với anh Ngô Văn Hiến- Chánh Văn phòng XN, anh cho biết: “Theo quyết định của Công ty, công nhân làm việc tại XN mỗi ca sẽ được Công ty hỗ trợ một bữa ăn với định mức là 20.000đ. Tuy nhiên, anh em công nhân đề nghị mỗi bữa ăn chỉ 15.000đ là đủ, 5.000đ sẽ trả vào lương. Nhưng gần đây giá cả thực phẩm tăng lên tới đây XN sẽ yêu cầu nhà nhà bếp tăng định suất ăn lên đúng 20.000đ để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho anh em”. Đồng quan điểm trên, chị Loanh nói: “Hồi mùa hè, thực phẩm, rau cỏ sẵn thì dễ mua nên ngoài các món mặn, món xào và canh, mỗi mâm cơm của công nhân còn được thêm 1 đĩa trứng rán hoặc đậu phụ. Nhưng ở thời điểm hiện tại, giá cả đắt hơn nên lượng thức ăn có phần ít đi. Do đó, tôi đề nghị XN tăng định suất lên 20.000đ như quy định”.
Một bữa ăn ca của công nhân
Chưa khang trang, sạch sẽ
Tôi đến tham quan bếp ăn Nà Bốp khi các chị đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho công nhân. Chị Ma Thị Dung, quản lý bếp đang nhanh tay đảo nồi thịt kho trên bếp củi. Chị cho biết do củi ở khu vực này sẵn và rẻ nên XN chủ yếu sử dụng củi làm nhiên liệu đun nấu. Cảm nhận đầu tiên của tôi là khu vực này là chưa được quy hoạch bài bản, hợp lý; đồ dùng, dụng cụ còn sơ sài, thiếu thốn; cảnh quan chưa được khang trang, gọn gàng, sạch sẽ. Chẳng hạn gian bếp có phần tối tăm, ẩm thấp vì nằm cạnh sân rửa luôn ướt nhèm khiến tấm phên liếp ngăn cách bếp và sân rửa mục ruỗng tơi tả. Chị Dung cho biết cống thoát nước bị tắc khá lâu nhưng chưa được xử lý. Trong khi đó nền gian kho, gian chia cơm và nhà ăn mặc dù được lát gạch men nhưng khá bẩn. Những thùng mì tôm xếp lộn xộn. Tủ bảo ôn còn rất mới nhưng lem nhem. Tường và trần nhiều bụi và mạng nhện. Trần phòng ăn làm bằng nhựa đã bị mọt, ải nên thủng vỡ lỗ chỗ, thậm chí có con chuồn chuồn vướng vào mạng nhện chết khô lơ lửng ngay trên đầu. Khi bị “chất vấn” sao để bẩn như vậy, các chị cười bẽn lẽn thừa nhận thiếu sót, phần vì chưa thực sự quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh, phần cũng do bận công việc. “Quả thực chúng tôi mới chỉ để ý đến việc làm vệ sinh nồi niêu, xoong chảo, bát đĩa, thức ăn chứ chưa chú tâm đến việc giữ gìn sạch sẽ cho khu vực làm việc”- Chị Dung nói. Chị cũng than phiền rằng dụng cụ, đồ dùng nhà bếp còn thiếu thốn chẳng hạn như bàn chế biến, bàn để thức ăn…
Đề cập đến vấn đề này, anh Hiến cho biết: “Do Công ty cũng mới đưa mỏ đi vào khai thác từ tháng 5 và thời gian vừa qua tập trung cao độ cho sản xuất nên việc đầu tư cho bếp ăn còn có những hạn chế nhất định. Sắp tới XN sẽ đầu tư, cải thiện hạ tầng khu vực nhà bếp, mua sắm thêm tủ chạn đựng thức ăn, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, đồng thời quán triệt ý thức vệ sinh môi trường cho toàn thể công nhân, nhất là nhân viên nhà bếp”.
Mới đây, sau khi TGĐ nắm được tình hình khó khăn, thiếu thốn của bếp ăn, TGĐ đã cho chuyển ngay một số thiết bị, dụng cụ làm bếp còn thừa ở Văn phòng công ty vào trong XN, đồng thời cho mua bổ sung những vật dụng còn thiếu để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho công nhân bởi “có thực mới vực được đạo”, có sức khỏe mới làm việc được.
Mạnh Cường- Hữu Thung
Địa chỉ: Tổ 4, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn
Email: bkc@backanco.com Điện thoại: 0209.3812.399