Thứ Tư | 05/11/2014

Những chú "Kiến thợ" trong hầm lò

Đảm đương một khối lượng công việc lớn trong hoạt động khai thác mỏ, tổ lò là lực lượng đông đảo nhất trong các tổ làm việc tại Xí nghiệp khai thác khoáng sản Bằng Lãng (XN).

Công nhân tổ lò cào quặng vào gầu

Công nhân tổ lò cào quặng vào gầu

Khi mồ hôi thấm đầy từng goòng quặng 

Theo anh Lê Văn Cử, GĐ điều hành mỏ Pù Sáp, đơn vị hiện nay có 12 tổ lò, trong đó các tổ: 1, 2, 3, 4, mỗi tổ có 20 công nhân chuyên đảm trách công việc tại khu vực 190 và 168, hai tầng sâu nhất hiện tại của lò 313. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ cào, bốc xúc quặng lên goòng, chở ra bãi chứa quặng, tổ lò mỏ Pù Sáp còn kiêm luôn nhiệm vụ vận hành máy tời vận chuyển goòng.

Khi tôi tới khu vực 190, Tổ lò 1 đang tất bật với những vỉa quặng vừa khai thác. Một công nhân vận hành máy cào thượng cào quặng từ các tầng trên đổ xuống boongke. Trong khi đó ở phía dưới boongke, một nhóm công nhân đang bốc, xúc quặng. Họ dùng những cái cào trông như cái cuốc sắt nhỏ, cào quặng vào chiếc gầu sắt hao hao chiếc xẻng hót rác để công nhân khác bưng lên đổ vào các xe goòng đã chờ sẵn ngay bên cạnh. Khi goòng đầy, 2 công nhân đẩy goòng ra chỗ máy tời, chốt cáp tời cho công nhân vận hành máy tời kéo goòng lên các tầng trên trước khi vận chuyển quặng ra bãi chứa. Mỗi goòng như vậy chứa từ 1,7 đến 1,9 tấn quặng. Goòng đầy quặng vừa ra thì goòng rỗng lập tức được đưa vào thế chỗ, liên tục như vậy cho đến hết kíp làm việc hoặc hết khối lượng quặng cần bốc của mỗi tầm mìn. Thông thường mỗi kíp vận chuyển được ít nhất 40 goòng. Tiếng lạo xạo của cuốc sắt va vào quặng, tiếng rầm rập của từng gầu quặng đổ vào goòng, tiếng bánh xe goòng chầm chậm lăn trên ray sắt, tiếng hô “một-hai” của công nhân đẩy xe goòng khi qua những chỗ khó đi… hòa quyện, trộn lẫn vào nhau như một bản “hòa tấu” có phần lạ lẫm, khó nghe đối với những ai lần đầu được bước chân vào đây nhưng lại rất quen thuộc với người công nhân tổ lò.

Gọi công nhân tổ lò là những chú kiến thợ cũng đúng. Nhìn họ làm việc, tôi cứ mường tượng đến những con kiến cần cù, chịu khó đang tha mồi về tổ. Mồ hôi lăn trên dài trên má, thấm ướt vạt áo là những hình ảnh quen thuộc của công nhân tổ lò.

Từng xe goòng nặng gần 2 tấn lần lượt được công nhân đẩy đến cáp tời rồi vận chuyển ra bãi chứa

Từng xe goòng nặng gần 2 tấn lần lượt được công nhân đẩy đến cáp tời rồi vận chuyển ra bãi chứa


Những con người sống ở hai “thế giới”

Khác với tổ lò tại mỏ Pù Sáp, mỏ Nà Bốp hiện tại có 8 tổ lò, mỗi tổ có 14 – 15 công nhân. Theo anh Lý Văn Viện, trực ca mỏ Nà Bốp, mỗi kíp sẽ có 2 tổ lò làm việc, trong đó, một tổ chuyên làm dưới giếng nghiêng 245, tổ còn lại sẽ chia ra đảm nhận hai điểm lò 16 và 17 tại 2 lò 316 và 320 của mỏ.

Gặp các công nhân tổ lò 1 và tổ lò 5 mỏ Nà Bốp vào lúc giao ca, tôi tranh thủ tìm hiểu thêm về tổ lò ở mò này thì anh Nông Văn Trưởng, công nhân Tổ lò 1 cho biết: “Không như bên mỏ Pù Sáp, nơi mà tổ lò kiêm luôn vận hành tời, công nhân tổ lò mỏ Nà Bốp chỉ chuyên việc bốc xúc quặng”. Anh giải thích: “Do bên mỏ Pù Sáp có nhiều tầng lò, nhiều giếng nghiêng. Mỗi giếng nghiêng có một máy tời nên các tổ lò cần có công nhân chuyên vận hành máy tời riêng để thuận tiện cho công việc. Trong khi đó, Mỏ Nà Bốp ít tầng hơn nên chỉ cần 2 công nhân tổ tời làm việc. Một điểm thuận lợi nữa của mỏ Nà Bốp là các đường lò đa số là lò bằng, dài và rộng hơn nên các xe goòng sẽ có máy đầu kéo chuyên chở, đoạn đường phải đẩy tay rất ít”.

Phút nghỉ ngơi của công nhân tổ lò

Phút giải lao của công nhân tổ lò

 

Công nhân tổ lò thường nói vui với nhau rằng, họ sống ở hai thế giới, ăn ở, sinh hoạt hằng ngày dưới ánh mặt trời, nhưng chuyên làm việc ở “thế giới ngầm” sâu dưới lòng đất hàng trăm mét, trong không gian “tứ bề là đá”, cách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Chỉ khi hết giờ làm việc, họ mới lên mặt đất. Ở dưới đó, công việc dù có vất vả, nhưng công nhân tổ lò luôn cảm thấy tự hào khi trực tiếp góp sức mình mang về những vỉa quặng quý giá.

Cũng như tổ khoan nổ mìn, công nhân tổ lò được trả lương dựa trên đơn giá khai thác nên nếu làm đủ định mức có thể đạt mức lương trên 5 triệu đồng/người/tháng. Đối với lao động tổ lò mà đa phần là lao động phổ thông ở địa phương thì mức thu nhập như vậy là cao hơn rất nhiều so với làm ruộng. Bởi vậy, tuy có vất vả nhưng nhìn chung công nhân tổ lò đều gắn bó với công ty và mong muốn duy trì được công việc như hiện nay.

Giờ giao ca của "những chú kiến thợ"

Giờ giao ca của "những chú kiến thợ"

Nếu như thợ khoan nổ mìn có công trong việc truy tìm và “tóm bắt” được quặng thì công nhân tổ lò là những người ngày đêm góp công vào việc đưa những hạt quặng lấp lánh nằm ngủ sâu dưới lòng đất lên để xây dựng đất nước.

 

Bài, ảnh: Hữu Thung

 
Vinh danh 15 cá nhân tiêu biểu của BKC
Trong chương trình Gala “BKC tuổi 15” vừa được tổ chức, Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn (BKC) đã vinh danh 15 cán bộ, công nhân viên tiêu biểu, có nhiều cống hiến trong quá trình xây dựng và phát triển chung của Công ty trong 15 năm qua, kể từ khi thành lập đến nay. 3576 lượt đọc
Công nhân nhà máy chì tự chế máy giặt túi thu bụi
Tận dụng những phế liệu bỏ không, anh Phúc cùng với một số công nhân tổ cơ điện Xí nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản Chợ Đồn (gọi tắt là XN) đã chế ra chiếc máy giặt túi thu bụi đơn giản nhưng rất hiệu quả. 4259 lượt đọc