Thứ Tư | 05/11/2014

"Lính tiên phong" trong hầm mỏ

Giống như các chiến binh tinh nhuệ lĩnh ấn tiên phong trong mỗi trận đánh, những công nhân khoan nổ mìn thực sự là những người “phá núi mở đường” cho hoạt động khai thác khoáng sản hầm lò.

Công nhân đang tiến hành khoan các lỗ để nạp mìn

Theo chân anh Đỗ Đình Thắng, Phó GĐ Xí nghiệp khác khoáng sản Bằng Lãng (viết tắt là XN) và anh Lê Văn Cử, GĐ Điều hành mỏ Pù Sáp, phóng viên trang web backanco.com đã xuống tầng 170 của lò 313 (mỏ Pù Sáp) để mục sở thị công việc của những công nhân khoan nổ mìn.


Phá đá mở đường

Tại tầng sâu nhất này của lò 313, tổ khoan nổ mìn 3 người đang tập trung cao độ cho công việc của mình. Một người giữ chắc thân khoan, người kia định vị đầu mũi khoan dài hơn 2m vào vị trí chính xác. Chiếc khoan trông như khẩu đại liên “khủng” có động nơ nối với một ống dẫn khí nén để bơm áp suất hơi cho máy khoan và một ống dẫn nước làm giảm ma sát cho động cơ. Người thứ ba dùng chân đè lên chân đế của ống hơi nhằm giữ cho ống hơi không bị trượt khi máy khoan hoạt động. Nhìn họ thao tác như một tiểu đội thiện chiến sử dụng thành thạo các vũ khí hạng nặng. Khi thợ khoan chính bật công tắc trên thân khoan, máy khoan rung lên, xoáy vào vách đá tạo ra thứ âm thanh rít róng đến chói tai. Phải là những người có sức khỏe tốt mới giữ cho cái máy khoan nặng đến 35kg hoạt động liên tục hàng giờ đồng hồ, bởi theo những người công nhân này, mỗi sơ đồ hay còn gọi là hộ chiếu khoan nổ mìn, họ phải khoan hàng chục lỗ, mỗi lỗ khoan phải mất từ 5-6 phút. Sau khi khoan đủ số lỗ theo yêu cầu của chuyên gia kỹ thuật, những người thợ này sẽ nạp mìn vào lỗ khoan, chuẩn bị kíp mìn, tiến hành đấu nối kíp, kiểm tra độ an toàn rồi rút ra khỏi vị trí khoan, đến điểm an toàn (cách tối thiểu 300m) mới tiến hành kích hoạt cho mìn nổ. Chỉ khi mìn nổ hết như tính toán thì công việc của tổ này mới kết thúc.

Khoan nổ mìn là công việc khó, đòi hỏi kỹ thuật cao, sức khỏe tốt nhất là cần sự chính xác, tỉ mỉ, cẩn trọng nên trước đây công việc này đa số do các chuyên gia Trung quốc đảm nhận, tuy nhiên hiện nay, sau khi được đào tạo, nhiều công nhân Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu. Hiện tại, tổ khoan nổ mìn của cả XN có 20 người trong đó có 7 công nhân Việt Nam.

Anh Hoàng Ngọc Vĩnh, một trong những công nhân Việt Nam “cứng nghề”, hiện làm việc ở giếng nghiêng 245 mỏ Nà Bốp, chia sẻ công việc của mình với phóng viên: “Hàng ngày tổ khoan nổ mìn sẽ tiến hành tiếp cận các địa điểm cần “đánh” theo chỉ đạo của ban điều hành mỏ, xác định địa hình, từ đó căn cứ theo sơ đồ bố trí lỗ khoan sẽ tiến hành khoan. Nói qua cứ nghĩ đơn giản, tuy nhiên, khoan nổ mìn là công việc không cho phép sự sai sót, vì khi đã sai thì khó lòng có cơ hội sửa sai. Chẳng hạn nếu ở những vị trí gần ổ nước hoặc địa chất bất thường, nếu, chỉ cần khoan lệch hoặc đặt mìn không đúng kỹ thuật có thể dẫn đến những hậu quả khó lường như bục ổ nước hoặc sập hầm lò”. Người có 14 năm làm việc ở BAMCORP này kể: “Có những lần, sau khi tiến hành nổ mìn, có quả “câm”, mình lại phải vào tìm cách xử lý quả mìn đó. Cũng may là mìn câm rất ít khi gặp phải”.

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh toàn công ty, đến hết tháng 12/2014, công ty sẽ đưa mỏ Nà Ruồng vào hoạt động, do vậy để đáp ứng nhu cầu nhân lực khoan nổ mìn, trước mắt, Công ty tuyển dụng 10 công nhân cho vị trí này. Ông Vũ Gia Hạnh, Trưởng phòng Tổ chức-Lao động cho biết: “Theo chủ trương TGĐ giao, Công ty sẽ phải tuyển từ 20 công nhân khoan nổ mìn nhưng trước mắt cho tuyển 10 người bổ sung vào tổ này. Yêu cầu là tốt nghiệp lớp 9 trở lên, có sức khỏe tốt và ưu tiên những người có kinh nghiệm. Tuy nhiên đối với những lao động chưa được đào tạo thì thì công ty sẽ đào tạo bằng cách gửi họ đi học ở những trường dạy nghề. Bên cạnh đó, công ty cũng bổ sung họ vào các tổ khoan nổ mìn để cho những người thợ giỏi, kinh nghiệm lâu năm dạy bảo, kèm cặp”. Chính vì vậy, những người như anh Vĩnh sẽ vừa là thợ vừa là thầy, đào tạo các thế hệ kế cận để phát triển bộ máy chuyên môn của công ty ngày càng bền vững, dần thay thế những lao động nước ngoài. Đây chính là cách mà trong thời gian qua, công nhân Việt Nam đã học và nắm được kỹ thuật khoan nổ mìn của chuyên gia Trung Quốc.

Tổ khoan nổ mìn chụp ảnh kỷ niệm cùng Giám đốc điều hành Mỏ (người mặc áo trắng)

Thu nhập trên 15 triệu động/tháng

Môi trường làm việc của công nhân khoan nổ mìn được đánh giá là nặng nhọc, vất vả hơn cả trong nghề khai thác mỏ hầm lò. Họ phải làm việc ở những điểm sâu nhất, xa nhất của hầm lò, nhiều bụi, nồng độ oxy thấp, cùng với đó là tiếng ồn của máy khoan, tiếng mìn nổ. Do đòi hỏi cao về kỹ thuật, năng suất, sức khỏe và phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt như vậy, thợ khoan nổ mìn hưởng mức lương khoán sản phẩm nên có thu nhập rất cao. Theo các cán bộ trực ca của Xí nghiệp, lương của công nhân khoan nổ mìn thuộc top đầu của cả XN, trung bình trên 15 triệu đồng/người/tháng. Những chuyên gia Trung Quốc còn cao hơn nữa. Mới đây khi mỏ Nà Bốp áp dụng biểu đồ khai thác mới ở giếng nghiêng 245, công nhân ở đây đã nâng hiệu suất khai thác lên 2 tầm mìn/ngày. Công việc nhiều hơn nhưng anh không những không ngại mà còn phấn khởi vì cùng với năng suất nâng lên thì thu nhập của anh cũng tăng theo. Còn anh Đổng Đại Tất, một công nhân khoan Trung Quốc tại mỏ Pù Sáp, mới làm tại Xí nghiệp được hơn 4 tháng nói: “công việc khoan nổ mìn tuy có hơi vất vả nhưng bù lại, phía XN cũng như công ty luôn tạo điều kiện để anh cũng như những công nhân người Trung đang làm việc tại đây cảm thấy thoải mái nhất như thu nhập, chỗ ăn nghỉ, chơi thể thao. Thỉnh thoảng được đồng nghiệp dẫn đi chơi, thưởng thức các món ăn ngon của Việt Nam”.

Phần đông những công nhân tổ Khoan nổ mìn là người tứ xứ, vì thế, việc chăm lo chỗ ở, ăn nghỉ cho những công nhân này luôn được Công ty và XN rất quan tâm, chú trọng. Mới đây, Công ty đã xây dựng thêm 2 khu nhà ở tập thể cho công nhân ở xa, bố trí chỗ chơi cầu lông, bóng chuyền, hội trường cho anh em sinh hoạt, vui chơi, hội họp sau giờ làm việc.

Công nhân khoan nổ mìn rèn luyện sức khỏe sau giờ làm việc

Dừng chân ở sân cầu lông gần khu nhà điều hành của XN, tôi thấy mấy công nhân khoan nổ mìn đang cởi trần chơi cầu rất say sưa. Họ vừa vừa hết ca làm việc. Tiếng hò hét, cười nói, vui đùa vô tư của họ hòa vào không gian xanh mướt cây cối. Không ai nghĩ những vận động viên nghiệp dư này vừa rời khỏi “trận địa mìn” đầy căng thẳng, vất vả. Sau khi xếp “vũ khí”, cởi “mũ, giáp”, họ không còn là những “người lính xung kích” trong hầm lò nữa mà là những thanh niên lạc quan, yêu thể thao.

 

Bài, ảnh: Hữu Thung

Vinh danh 15 cá nhân tiêu biểu của BKC
Trong chương trình Gala “BKC tuổi 15” vừa được tổ chức, Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn (BKC) đã vinh danh 15 cán bộ, công nhân viên tiêu biểu, có nhiều cống hiến trong quá trình xây dựng và phát triển chung của Công ty trong 15 năm qua, kể từ khi thành lập đến nay. 3681 lượt đọc
Công nhân nhà máy chì tự chế máy giặt túi thu bụi
Tận dụng những phế liệu bỏ không, anh Phúc cùng với một số công nhân tổ cơ điện Xí nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản Chợ Đồn (gọi tắt là XN) đã chế ra chiếc máy giặt túi thu bụi đơn giản nhưng rất hiệu quả. 4373 lượt đọc