Thứ Tư | 05/11/2014

Hồi sinh nhà máy chì 10.000 tấn/năm

Sau những chuỗi ngày nằm bất động vì “thiếu đói”, “đứa con” rất được kỳ vọng của Công ty CP khoáng sản Bắc Kạn (BAMCORP) mang tên “Nhà máy luyện chì công suất 10.000 tấn/năm” đã chính thức hồi sinh.

Quan khách cho nguyên liệu quặng chì đóng bánh vào lò

Nhóm lên ngọn lửa quyết tâm

Với một khoảng thời gian chuẩn bị có thể nói là “kỷ lục”: vỏn vẹn 2 tuần, lò nấu chì của Nhà máy luyện chì 10.000 tấn/năm đã đỏ lửa. Ngọn lửa mang theo bao kỳ vọng, tâm huyết của gần 700 cán bộ, công nhân, lao động BAMCORP được được đích thân TGĐ Vũ Phi Hổ nhóm lên hôm 29/9, đã bừng cháy mạnh mẽ. Ngay buổi chiều hôm đó, những dòng chì kim loại đầu tiên đã chảy ra, rót xuống các khay chứa để rồi đúc nên những phiến kim loại chì có diện tích mặt trên là 40x 60cm, độ dày 40cm, nặng từ 1,2-1,5 tấn/phiến. Riêng ngày đầu tiên, nhà máy cho ra lò 7 phiến như thế. Những ngày tiếp theo, sản lượng tăng lên, trung bình hơn 10 tấn/ngày. Tại buổi lễ chính thức khởi động lại nhà máy hôm 1/10, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hà Văn Khoát cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và đối tác, bạn hàng, đã trực tiếp đưa tượng trưng một viên quặng chì ép bánh vào lò và tận mắt chứng kiến dòng chì kim loại nóng chảy đổ xuống khay. Không nghi ngờ gì nữa, những người thợ của BAMCORP hoàn toàn có đủ trình độ, tay nghề và lòng quyết tâm để làm chủ công nghệ, thực hiện thành công những khâu khó nhất của việc chế biến sâu khoáng sản. Đó là luyện kim, lĩnh vực còn rất non trẻ của Việt Nam. Trong lĩnh vực này, nhất là luyện chì, việc đảm bảo cho lò đều lửa và vận hành ổn định là điều không hề đơn giản. Rất nhiều nhà máy đã bị tắc lò đột ngột trong quá trình sản xuất. Ngay cả đơn vị trước đây vận hành nhà máy này cũng từng nhiều lần “khóc dở mếu dở” vì hiện tượng này. Và mỗi lần vậy thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Do đó, khi quyết định khởi động lại nhà máy luyện chì này, TGĐ đã nhiều lần trực tiếp họp với lãnh đạo nhà máy, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư và các bộ phận liên quan để xây dựng kế hoạch chi tiết, từ nguyên liệu, vật tư, thiết bị, máy móc, phụ gia, nhân sự… Cả bộ máy của Công ty cùng vào cuộc một cách khẩn trương, quyết liệt. Đặc biệt là Xí nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản Chợ Đồn (XN Chợ Đồn), đơn vị quản lý, vận hành nhà máy này phải làm ngày đêm bám sát công trường để hoàn tất mọi việc trong vòng chưa đầy nửa tháng. Những ngày ấy, không riêng gì Ông Mai Phúc Tuân, Phó giám đốc XN Chợ Đồn lo lắng mà ngay cả những cán bộ tham gia vào các khâu chuẩn bị tài chính hay mua nguyên liệu như ông Đinh Văn Hiến, Nguyễn Văn Chi, Đặng Thanh Vân cũng như ngồi trên đống lửa vì thời gian rất gấp trong khi khối lượng công việc lại nhiều. Có những nguyên liệu phải mua ở Thái Nguyên, Hưng Yên, trong khi vận chuyển rất khó khăn, thậm chí có những loại vật tư, phụ gia rất khó kiếm như rơm khô. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm cao, mọi chuyện đã đâu vào đấy. Hầu hết mọi thứ cần thiết cho việc tái khởi động nhà máy theo phương án lập ra cuối cùng cũng được cung cấp đầy đủ, đúng kế hoạch. Ông Tuân chia sẻ: “Lúc đầu được TGĐ giao nhiệm vụ cũng rất lo lắng vì khối lượng công việc nhiều, nhân lực lại ít, thậm chí nhiều loại vật tư, nguyên liệu còn chưa biết hoặc chưa biết mua ở đâu. Nhưng sau đó nhờ sự chỉ đạo cụ thể , tính toán rất chính xác của TGĐ cùng với sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ phận có liên quan của Công ty nên mọi việc dần dần ăn khớp, nhịp nhàng. Cũng phải nói rằng nhờ có đội ngũ cán bộ, công nhân lao động đa phần là trẻ, năng động, khát khao cống hiến và việc Công ty áp dụng công nghệ tiên tiến cùng máy móc hiện đại vào sản xuất nên việc khởi động lại nhà máy này diễn ra thuận lợi và thành công”.

Chì kim loại nóng chảy sau khi luyện

Mong nhà máy hoạt động ổn định

Với tiếng xe, tiếng máy rộn ràng không ngớt, với những tốp công nhân trong bộ đồng phục bảo hộ mới tinh tấp nập ở những khu vực sản xuất, không khí lao động đã nhộn nhịp trở lại với nhà máy vốn từ lâu im ắng này. Toàn bộ khu vực nhà máy trước đây đìu hưu như một đống phế liệu bỏ hoang giờ như một cơ thể tràn sức sống đang cựa mình thức giấc.

Anh Nguyễn Đức Hào, sinh năm 1970, công nhân tổ cấp liệu cho biết rất phấn khởi với việc nhà máy hoạt động trở lại vì như thế sẽ đảm bảo việc làm, thu nhập cho anh. Anh đã làm việc ở xí nghiệp 10 năm, hiện nay thu nhập bình quân của anh là 200.000 đồng/ca/8 tiếng. “Công việc tuy có hơi vất vả, nhưng XN cũng chăm lo cho công nhân ăn uống, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Dù trước đây nhà máy chưa hoạt động thì vẫn được hưởng lương thưởng ổn định. Tôi chỉ mong nhà máy hoạt động ổn định để được làm việc lâu dài ở đây”- anh nói. Anh cũng đề nghị Xí nghiệp xem xét, chuyển thành kíp 6 tiếng thay vì 8 tiếng /ngày để công nhân đỡ vất vả hơn.

Còn anh Tô Quốc Hùng (SN 1975), là tổ trưởng tổ thiêu kết thì mới vào làm việc ở đây được 2 tháng, sau khi BAMCORP thu hồi lại nhà máy này từ đối tác cho thuê, thì anh cũng chuyển sang XN mới. Tổ của anh có 3 công nhân, làm việc theo kíp, mỗi kíp 6 tiếng. Mỗi kíp làm việc anh được nhận 200.000đồng tiền công và 20.000đ tiền ăn trong khi trước làm ở công ty cũ, anh chỉ được nhận 140.000đ/công. Anh Hùng thẳng thắn chia sẻ: “Nhìn chung công việc hiện tại không quá vất vả, bữa ăn đầy đủ, điều kiện làm việc khá tốt”.

Công nhân tiếp liệu

Ngoài ra, một số công nhân khác mà phóng viên website backanco.com gặp gỡ, trao đổi đều mong muốn được gắn bó lâu dài với công ty, tuy nhiên họ cũng băn khoăn về việc liệu nhà máy có đủ nguyên liệu để vận hành ổn định lâu dài hay không bởi những công nhân từng làm việc ở nhà máy này từ ngày xây dựng đến giờ đã chứng kiến tình trạng thiếu nguyên liệu dẫn đến nhà máy phải “đắp chiếu”. Tâm tư ấy của anh chị em công nhân là hoàn toàn chính đáng và có cơ sở bởi vì hiện nay, bài toán khó khăn nhất mà Nhà máy luyện chì này phải đối mặt là nguồn nguyên liệu chứ không phải là nhân lực, kỹ thuật, công nghệ. TGĐ Vũ Phi Hổ cho biết, trước đây, Nhà máy này được xây dựng trên cơ sở được tỉnh quy hoạch cho một số mỏ nguyên liệu, song đến nay, các mỏ này vẫn chưa được cấp do một số vướng mắc. Do đó, mong muốn lớn nhất của lãnh đạo BAMCORP là sớm được tỉnh quy hoạch cho vùng nguyên liệu và trước mắt tháo gỡ vướng mắc cho việc giải phóng mặt bằng mỏ Nà Duồng và cấp phép thăm dò mỏ Bó Nặm. “Có như vậy thì Nhà máy chì này mới đủ nguyên liệu hoạt động hoặc có cơ sở để nâng công suất, trở thành một cơ sở luyện kim có quy mô lớn, hiện thực hóa chủ trương phát triển lĩnh vực chế biến sâu khoáng sản của Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển ngành công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn đồng thời đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động của tỉnh”- Ông nói.

Lãnh đạo tỉnh và công ty vui mừng chứng kiến chì thành phẩm

 

Việc tái khởi động thành công nhà máy luyện chì công suất 10.000 tấn/năm là một tín hiệu vui, một thành công bước đầu của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp mà lãnh đạo và cán bộ, công nhân, lao động BAMCORP đã miệt mài thực hiện hơn một năm qua. Đó là phần thưởng xứng đáng nhất, giá trị nhất cho những con người đã đoàn kết, quyết tâm phấn đấu để xây dựng BAMCORP trở thành một doanh nghiệp lớn.

 


Mạnh Cường - Hữu Thung

Tinh quặng chì 60%
Tinh quặng chì (Pb) là sản phẩm của quá trình tuyển nổi quặng chì nguyên khai trên dây chuyền tuyển nổi tại Công ty TNHH tập đoàn Thiên Mã – đối tác của Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn. 6694 lượt đọc
Nước tinh khiết Bó Nặm
Nước tinh khiết Bó Nặm sản xuất tại Nhà máy chế biến rau quả, nước giải khát Bó Nặm thuộc Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn (BKC). 3816 lượt đọc
Nhà máy luyện chì cán mốc 1200 tấn kim loại
Sau 3 tháng đi vào hoạt động, dây chuyền luyện chì mới công suất 5.000 tấn năm của Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn (BKC) đã vận hành ổn định, cơ bản đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật. 28692 lượt đọc
Nước khoáng AVA
Nước khoáng thiên nhiên AVA sản xuất và đóng chai trên dây chuyền thiết bị hiện đại của Mỹ và Nhật tại Nhà máy nước khoáng AVA thuộc Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn (BKC). 4109 lượt đọc
Tinh quặng kẽm 50%
Tinh quặng kẽm (Zn) là sản phẩm của quá trình tuyển nổi quặng nguyên khai trên dây chuyền tuyển nổi tại Công ty TNHH tập đoàn Thiên Mã – đối tác của Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn. 7065 lượt đọc
Rượu Bó Nặm
Rượu Bó Nặm được sản xuất theo phương pháp cổ truyền của đồng bào vùng núi cao Việt Bắc; nguyên liệu từ ngô trồng trên nương và men làm từ lá cây rừng; đã được tinh chế loại bỏ Anđêhit (aldehyde) và các độc tố bằng công nghệ hiện đại mà vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống. 4794 lượt đọc
Bó Nặm nước mơ tươi sản phẩm mới
Quả mơ lông là một đặc sản của Bắc Kạn, từ trước tới nay trong dân gian đã sử dụng ở các dạng Sirô, ô mai để chữa trị một số bệnh như: Ho, hen xuyễn, giải nhiệt, giảm khát, chống mất muối. 3239 lượt đọc